Điều Khoản Chất Lượng Và Quy Cách Hàng Hóa Trong Hợp Đồng Ngoại Thương

Điều khoản chất lượng và quy cách hàng hóa là điều khoản quy định về mặt chất lượng và quy cách hàng hóa.

Do đó, tùy theo loại hàng giao dịch mà trong hợp đồng các bên phải thỏa thuận cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật, kích thước, màu sắc, mùi vị, độ ẩm, tạp chất… của hàng hóa.

>>>>> Bài viết xem nhiều: Học xuất nhập khẩu online ở đâu tốt nhất

Tiêu chí xác định Điều khoản chất lượng và quy cách hàng hóa trong hợp đồng ngoại thương

Để quy định chính xác chất lượng của hàng hóa, người ta thường căn cứ vào các tiêu chí sau:

1. Chất lượng hoặc tiêu chuẩn hàng hóa:

Thông thường các sản phẩm công nghiệp được tiêu chuẩn hóa (standardised) về phương pháp sản xuất, chế biến, đóng gói… theo tiêu chuẩn nhà nước, tiêu chuẩn địa phương, tiêu chuẩn của ngành kinh tế, đăng ký chất lượng hay tiêu chuẩn chất lượng nhà sản xuất. Ngoài ra, khi định ra tiêu chuẩn, người ta còn định ra chất lượng (category), như hàng loại I, loại II, loại III hoặc hàng phế phẩm.

Do đó, khi xác định chất lượng hàng hóa, ngoài yếu tố tiêu chuẩn còn phải chú ý đến chất lượng/phẩm cấp hàng hóa. Hơn nữa, ngày nay do tiến bộ khoa học kỹ thuật diễn ra nhanh chóng, nên hệ thống tiêu chuẩn chất lượng cũng thay đổi theo. Vì vậy, khi nói đến tiêu chuẩn hàng hóa thì phải nói chính xác, cụ thể là tiêu chuẩn năm nào, theo số hiệu nào, của ai.

Khi áp dụng tiêu chuẩn phẩm cấp để quy định chất lượng hàng hóa thì các bên phải hiểu rõ và nắm chắc nội dung của bộ tiêu chuẩn.

Về phía người bán, cần phải cân nhắc xem hàng hóa của mình đạt được phẩm cấp loại gì trong những bộ tiêu chuẩn nào, bộ tiêu chuẩn đó có uy tín trên thị trường quốc tế không.

Về phía người mua, cần xem xét xem ứng với phẩm cấp, tiêu chuẩn mà hàng hóa đạt được thì quy cách chất lượng của hàng hóa mua về cụ thể là như thế nào, có phù hợp với hạ tầng kỹ thuật và nhu cầu tiêu dùng/kinh doanh thương mại của doanh nghiệp không.

Hai bên không cần áp dụng toàn bộ các tiêu chí của bộ tiêu chuẩn mà có thể chỉ áp dụng một số nội dung của bộ tiêu chuẩn nhưng phải nêu rõ trong hợp đồng. Để tránh nhầm lẫn và tranh chấp, bộ tiêu chuẩn được áp dụng sẽ được sao làm 2 bản cho 2 bên nắm giữ, có chữ ký của 2 bên, đóng dấu giáp lai và coi là phụ lục của hợp đồng.

2. Mô tả hàng hóa trong hợp đồng ngoại thương

Nhìn chung nhiều hàng hóa mua bán chưa được tiêu chuẩn hóa chất lượng. Do đó, khi mua bán các bên có thể quy định chất lượng bằng sự mô tả hàng hóa và các yếu tố như thể tích, kích thước, màu sắc, tính năng….

Để tránh tranh chấp xảy ra, hợp đồng phải mô tả hàng hóa một cách chính xác, không được dùng các từ mơ hồ như: “chất lượng phải tốt”, “chất lượng bảo đảm”. Tuy nhiên, phương pháp này ít được dùng độc lập mà thường được dùng phổ biến cùng với các phương pháp khác.

3. Theo mẫu hàng hóa:

Đối với những hàng hóa khó tiêu chuẩn hóa chất lượng và khó mô tả chi tiết thì có thể thỏa thuận theo mẫu hàng. Cách quy định chất lượng hàng hóa dựa vào mẫu hàng áp dụng đối với hàng hóa mà quá trình sản xuất có những công đoạn thủ công, chất lượng của hàng hóa thể hiện qua độ tinh xảo, trình độ tay nghề của người sản xuất, rất khó mô tả bằng lời (hàng thủ công mỹ nghệ, hàng dệt may), hoặc hàng hóa khó tiêu chuẩn hóa (hàng nông sản).

Tuy nhiên cách quy định chất lượng hàng hóa dựa vào mẫu hàng không được áp dụng khi hàng hóa có hạn sử dụng ngắn, tính chất dễ bị biến đổi theo thời gian do mẫu hàng phải được bảo quản từ khi 2 bên ký kết hợp đồng cho đến khi các bên hoàn thành xong hết nghĩa vụ của mình trong hợp đồng.

Có 2 trường hợp trong việc hình thành và lựa chọn mẫu hàng:

  • Người bán đưa ra mẫu hàng, người mua chấp nhận.
  • Người mua đưa ra mẫu hàng, người bán căn cứ mẫu hàng người mua cung cấp để sản xuất mẫu đối (counter sample), người mua căn cứ vào mẫu đối để đánh giá năng lực sản xuất của người bán, nếu người mua chấp nhận mẫu đối thì mẫu đối mới là mẫu hàng có tính chất pháp lý.

Khi sử dụng mẫu hàng để quy định chất lượng thì cần lưu ý:

  • Mẫu hàng phải được rút ra từ chính lô hàng cần giao và có chất lượng trung bình so với tổng thể.
  • Không được dùng mẫu hàng của hợp đồng này làm căn cứ quy định chất lượng hàng hóa của một hợp đồng khác.

Trong hợp đồng có thể có 2 cách quy định: “Hàng có phẩm chất ng tự như mẫu” hoặc “hàng có phẩm chất giống hệt mẫu”. Tuy Biên không nên quy định “có phẩm chất hệt như mây” mà chỉ cần nói “phẩm chất tương tự mẫu” là hợp lý.

  • Người mua cần có thời gian và điều kiện hợp lý để xem mẫu.
  • Mẫu không được có những khuyết tật kín mà xem xét một cách bình thường không phát hiện được.
  • Các bên cần bảo quản chu đáo và giữ nguyên vẹn mẫu.

Mẫu hàng là một bộ phận không thể tách rời hợp đồng nên phải kẹp chì, đánh dấu, ghi số hợp đồng để đề phòng mất mát và tránh tranh chấp xảy ra sau này. Thông thường phải chọn ít nhất là ba (03) mẫu, một giao cho bên mua, một giao cho bên bán và một giao cho bên thứ ba (người trung gian) do hai bên chỉ định để làm chứng khi cần.

4. Quy cách hàng hóa:

Để không làm khó người bán, khi quy định quy cách hàng hóa các bên thường không quy định bằng một con số cụ thể mà thường kèm theo một mức dung sai cho phép hoặc dưới dạng % tương đối khi nói đến tỷ lệ, hàm lượng nào đó.

Khi áp dụng quy cách để quy định chất lượng thì điều khoản chất lượng có thể được viết bằng tên tiếng Anh là Specification, bao gồm những đặc tính về chất lượng như công suất, tần số, tốc độ, kích thước, trọng tải… Rõ ràng là phương pháp này được áp dụng chủ yếu cho các mặt hàng là máy móc, thiết bị kỹ thuật, công cụ vận tải…

Điều Khoản Chất Lượng Và Quy Cách Hàng Hóa Trong Hợp Đồng Ngoại Thương

5. Xem trước hàng hóa:

Trong hợp đồng nếu có điều khoản “đã xem và đồng ý”, có nghĩa là người mua được quyền xem trước hàng hóa trong một thời gian quy định (trường hợp đầu giá và mua tại kho người bán) và đã đồng ý mua hàng bằng việc ký kết hợp đồng. Người bạn phải đảm bảo chất lượng hàng hoá giống như khi người mua đã Xem trước đó, còn người mua phải nhận hàng và trả tiền, không được viện lý do về chất lượng xấu để từ chối hàng hóa.

6. Hàm lượng các chất cấu thành hàng hóa:

Đối với những hàng hóa mà tỷ lệ thành phần các chất quyết định chất lượng của ung thì áp dụng theo phương pháp này. Thường thì hợp đồng quy định tỷ lệ % hàm lượng tối thiểu đối với những chất có ích và hàm lượng tối đa đối với những chất có hại. Những hàng hóa có thể áp dụng phương pháp này bao gồm nguyên liệu, lương thực thực phẩm

7. Theo sản lượng thành phẩm:

Phương pháp này dùng để quy định chất lượng của nguyên vật liệu hoặc bán thành phẩm. Tuy nhiên phương pháp này khó được người bán chấp nhận do số lượng thành phẩm không chỉ phụ thuộc vào chất lượng nguyên vật liệu mà còn phụ thuộc dây chuyền sản xuất, trình độ nhân công, quản lý sản xuất… và số lượng thành phẩm là bao nhiêu cũng không có ai là người giám sát chứng nhận toàn bộ quá trình sản xuất được.

Ngày nay với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, người ta hoàn toàn có thể phân tích chất lượng, hàm lượng tinh chất dầu trong hạt, bột đường trong gạo… để áp dụng vào việc quy định chất lượng hợp lý hơn.

8. Theo nhãn hiệu hàng hóa:

Áp dụng cho loại hàng có đăng ký chất lượng sản phẩm và có uy tín trên thị trường, mỗi nhãn hiệu đặc trưng cho một chất lượng nhất định của hàng hóa. Chẳng hạn, đường trắng Biên Hòa, dầu ăn Tường An, chè Tân Cương Thái Nguyên, điện thoại Iphone 6S, xe ô tô Ford Focus Titanium 2016.

Khi sử dụng phương pháp này cần nêu rõ nhãn hiệu được đăng ký tại đâu, hàng hóa được sản xuất ở đâu (do cùng một nhãn hiệu những hang có thể được sản xuất tại những vùng khác nhau và có chất lượng khác nhau), năm sản xuất và seri sản xuất của hàng hóa.

9. Theo hiện trạng hàng hóa:

Áp dụng cho hàng hóa tươi sống có mùi vị, màu sắc, độ chín không ổn định, trong trường hợp này người bán không chịu trách nhiệm về tình trạng xấu đi của chất lượng hàng hóa trên đường đi, nghĩa là người bán chỉ bảo đảm chất lượng hàng hóa khi giao hàng, còn hàng đến nơi thế nào thì người mua phải nhận như thế, nếu có xấu đi thì người bán cũng không chịu trách nhiệm.

– Phương pháp quy định chất lượng theo hiện trạng hàng hóa được áp dụng trong trường hợp bán hàng dọc đường, ví dụ khi tàu gặp nạn, hàng hóa bị tổn thất, tàu phải đi lánh nạn một thời gian và người mua quyết định không lấy hàng nữa mà hàng hóa sẽ cập cảng nào đó để lánh nạn và bán cho một người mua khác nhận hàng tại cảng lánh nạn với giá thấp, chất lượng hàng được quy định là “có sao bán vậy”

Ngoài ra, phương pháp này còn dùng trong phương thức giao dịch đặc biệt đó là đấu giá quốc tế. Theo đó, ban tổ chức đấu giá sẽ trưng bày hàng hóa tại một địa điểm cụ thể, người mua chấp nhận mua với hiện trạng vốn có của hàng hóa tại thời điểm đấu giá.

10. Theo tài liệu kỹ thuật:

Trong việc mua bán máy móc, thiết bị, hàng công nghiệp tiêu dùng lâu bên, trên hợp đồng mua bán, người ta dẫn chiếu đến một biểu kê các thông số kỹ thuật khắc họa tính chất của hàng hóa. Trong trường hợp này, hợp đồng phải nêu người chịu trách nhiệm về biểu kê và dẫn chiếu những chỉ số cơ bản nêu trong biểu kê, và quy định rằng biểu kê là bộ phận không tách rời hợp đồng.

Các biểu kê thường ở dạng như: bản vẽ kỹ thuật, sơ đồ lắp ráp, bản thuyết minh tính năng và tác dụng, bản hướng dẫn sử dụng…

11. Theo trọng lượng tự nhiên:

Trọng lượng tự nhiên là trọng lượng của một đơn vị dung tích hàng hóa (thường là hectolit) được thể hiện bằng kilogram; nó nói lên tính chất vật lý (hình dáng, kích cỡ, độ chắc, tỷ trọng) và tỷ lệ tạp chất của hàng hóa. Phương pháp này được áp dụng phổ biến trong việc xác định chất lượng ngũ cốc, nó phản ánh chất lượng của bột và lượng tấm, ví dụ gạo 5% tấm.

Phương pháp này còn áp dụng trong quy định chất lượng của nông sản dưới dạng số hạt/kg; theo đó, số hạt càng nhiều thì đó chắc mẩy của hạt càng kém, nhiều khả năng có hạt lép, hạt hư; hoặc quy định chất lượng của thủy sản, ví dụ số con tôm /kg; số con càng ít thì chứng tỏ tôm càng to. Tuy nhiên chất lượng hàng hóa còn được quyết định bởi các chỉ tiêu hóa, sinh khác nữa nên phương pháp này thường áp dụng kèm theo các phương pháp quy định chất lượng khác.

12. Theo chất lượng bình quân:

Tức là việc giao hàng phải đảm bảo được chất lượng không thấp hơn chất lượng bình quân của loại hàng đó đang được giao dịch phổ biến trên thị trường. Phương pháp này thường áp dụng đối với loại hàng là nông sản, thực phẩm và nguyên liệu mà chất lượng của chúng khó tiêu chuẩn hóa.

Tập quán hàng hóa trong thương mại quốc tế hình thành những chỉ tiêu quy định chất lượng bình quân (gọi là chỉ tiêu đại khái quen dùng) như sau:

  • FAQ (Fair Average Quality): Phẩm chất bình quân khá, là phẩm chất ngang bằng với phẩm chất trung bình của hàng hóa được giao hoặc nhận trong một thời gian nhất định tại một địa điểm nhất định,
  • GMQ (Good Merchantable Quality): Phẩm chất tiêu thụ tốt, là phẩm chất của hàng hóa mà một người tiêu thụ bình thường tại một thị trường có thể chấp nhận được.
  • GOB (Good Ordinary Brand): Nhãn hiệu tốt quen dùng, là nhãn hiệu mà nơi tiêu thụ hàng hóa chấp nhận.

Tuy nhiên, những chỉ tiêu này khá chung chung mơ hồ và không có nguồn gốc rõ ràng nên ngày nay người ta hầu như không còn sử dụng nữa.

Hy vọng bài viết về Điều Khoản Chất Lượng Và Quy Cách Hàng Hóa Trong Hợp Đồng Ngoại Thương sẽ hữu ích tới bạn đọc.

Nếu bạn còn thắc mắc về nghiệp vụ xuất nhập khẩu hoặc cần chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm về khóa học xuất nhập khẩu ở đâu tốt, hãy để lại bình luận phía dưới, chúng tôi rất sẵn sàng giải đáp.

>>>>>> Tham khảo thêm:

Rate this post

Add a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *